- Tác giả: Vũ Linh
- Phần 1 – Chính Trị Và Xã Hội
- Phần 2 – Kinh Tế
- Phần 3 – Obamacare
- Phần 4 - Đối Ngoại Và Khủng Bố
Tác giả: Vũ Linh
http://www.vietbao.com/author/post/5543/1/vu-linh?o=0
Phần 1 – Chính Trị Và Xã Hội
…chưa có một tổng thống nào đã mang tai họa lớn cho đảng mình như TT Obama…
Còn không lâu nữa thì dân Mỹ trả tự do cho TT Obama, tha hồ đi câu, đánh gôn, viết sách hay đi đọc diễn văn kiếm vài chục triệu, rồi mở quỹ phước thiện gì đó kiếm vài tỷ theo gương ông bà Clinton. Chuyện bầu bán coi như xong, bây giờ là lúc ta xét lại thành quả của TT Obama.
Trong bài diễn văn tại Đại Hội Đảng DC vừa qua, TT Obama tuyên bố “tôi rất lạc quan về tương lai. Làm sao tôi không như vậy được với những thành quả chúng ta đã đạt được?” Có thật vậy không? Ông đã đạt thành quả gì? Thành công hay thất bại?
Nhìn một cách đơn giản thì rất dễ. Đối với cử tri cấp tiến đã bầu cho ông, TT Obama là một trong những tổng thống tài giỏi, vĩ đại nhất. Đấng Tiên Tri mà! Đối với những người bảo thủ chống ông thì dĩ nhiên ông là một trong những tổng thống tồi tệ nhất, tranh chức quán quân với TT Carter. Ông Tổ Chức Cộng Đồng mà! Đâu là sự thật?
Trước hết, nói về cá nhân TT Obama. Ông là người có tham vọng lớn hơn ai hết. Leo lên ghế lãnh đạo tối cao khi mới có 47 tuổi, sau khi làm thượng nghị sĩ liên bang có 4 năm, mà hai năm đầu đi lòng vòng bắt tay làm quen đồng nghiệp, hai năm sau đã lặn lội khắp nước, vận động tranh cử tổng thống toàn thời. Một tay hạ gục hai guồng máy chính trị lớn nhất nước là hai chính đảng DC và CH. Đối với một người da đen, cho dù là một nửa thôi, thì giấc mộng của ông thật là vĩ đại. Vậy mà ông đã thành công, mà lại nhanh hơn ai hết. Không giỏi sao được?
Một điều nữa, 8 năm dưới TT Obama cũng là 8 năm không xì-căng-đan như dưới thời Clinton. Ông cũng may mắn không gặp những đại họa như vụ 9/11, bão Katrina lớn nhất lịch sử, hai khủng hoảng kinh tế 2000-2008. Cho dù không chia sẻ quan điểm chính trị với Obama, cũng phải công nhận ông trong sạch, thanh liêm, có một gia đình gương mẫu.
Tuy nhiên, nếu đánh giá tổng thống theo kiểu không xì-căng-đan, thanh liêm, có gia đình gương mẫu, thì trong tương lai nên tìm một công chức già nào đó bầu làm tổng thống cho chắc ăn.
Bây giờ ta nhìn qua thành quả thực sự của TT Obama. Vì khuôn khổ bài báo, bài viết tuần này sẽ bàn về chính trị tổng quát và xã hội. Sẽ có 3 bài viết nữa đề cập đến kinh tế, Obamacare, và chính sách đối ngoại, kể cả cuộc chiến chống khủng bố. Trừ phi có biến cố đặc biệt cần bàn gấp, không thì loạt bài này sẽ được đăng liên tục trong 4 tuần trước ngày TT Obama vui thú điền viên.
Loạt bài hơi dài, khác xa với những tâng bốc của TTDC, sẽ gây “sóng gió loạn giang hồ”! Kẻ này hoan nghênh mọi phản biện nghiêm chỉnh. Sẽ… “cãi” lại nếu cần.
1. ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
Ứng viên Obama đắc cử, lý do quan trọng nhất vì ông hứa hẹn “đại đoàn kết dân tộc”, không có nước Mỹ bảo thủ hay cấp tiến, trắng hay đen, giàu hay nghèo, mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Dân Mỹ mê mẩn và ngây ngô tin tưởng vào một người có viễn kiến có thể làm chuyện đổi đời. Ông tổ chức công đồng sẽ dư thừa khả năng tổ chức quốc gia. Đến gần cuối hai nhiệm kỳ, ông đã đạt thành quả nào?
Miả mai thay, theo báo phe ta Washington Post, TT Obama là tổng thống tạo phân hoá lớn nhất lịch sử cận đại Mỹ. Hầu hết các luật lớn nhỏ đều được biểu quyết theo đúng tỷ lệ phiếu của hai đảng trong quốc hội, không có một đồng thuận nào giữa hai chính đảng.
Tất cả bắt đầu ngay từ ngày đầu. Lần đầu tiên tân TT Obama gặp các lãnh tụ đối lập CH đầu năm 2009, ông đã nói ngay mặt dân biểu lãnh tụ khối CH Eric Cantor: “Eric, bầu cử phải có hậu quả. Tôi đã thắng!”. Diễn dịch ra chữ quốc ngữ: mời các ông đi chỗ khác chơi! Trong lịch sử chính trị Mỹ, chưa có tổng thống tân cử nào khiếm nhã và phách lối như vậy.
Năm 2008, dân Mỹ mê mẩn ông chính khách của đại đoàn kết dân tộc, trao cho ông chẳng những Nhà Trắng, mà luôn cả Hạ Viện và Thượng Viện. Ông ứng viên ôn hoà mau mắn biến ngay thành ông tổng thống cấp tiến cực đoan nhất. Từ gần một ngàn tỷ kích cầu đến Obamacare. Dân Mỹ xanh mặt. Năm 2010, vội trao Hạ Viện cho CH để kềm hãm bớt con tàu Obama đang hùng hục lao vào tảng đá xã hội chủ nghiã.
TT Obama làm tổng thống đúng 2 năm, ra được 3 bộ luật lớn: kích cầu kinh tế, cải tổ ngân hàng, và Obamacare, còn 6 năm sau… bận đánh gôn. Cả ba luật lớn được biểu quyết tuyệt đối theo lằn ranh hai đảng tại Hạ Viện: kích cầu kinh tế: 0 phiếu CH, cải tổ ngân hàng: 3 phiếu CH, Obamacare: 1 phiếu CH (db Cao Quang Ánh). Ta sẽ xét lại những luật này trong những bài tới.
Có một điều ít người để ý. Nếu nước Mỹ theo thể chế đại nghị, với lãnh đạo được bầu theo đa số tại Hạ Viện như Âu Châu thì TT Obama đã về vườn từ đầu 2011 khi Hạ Viện lọt vào tay CH.
Chính quyền đổ lỗi cho đảng đối lập là “the party of no”, mà quên mất các dân cử đối lập cũng đều do dân bầu và chỉ làm bổn phận được dân giao phó.
Việc nước Mỹ có hai chính đảng đối lập chống nhau đã có từ ngày khai quốc. Cái tài giỏi của người lãnh đạo là khai thông mâu thuẫn, tạo đồng thuận bằng tương nhượng. Không làm được việc này thì chỉ là do người lãnh đạo không muốn hay không có khả năng. Không thể khư khư làm theo ý mình rồi đòi hỏi đối lập phải dạ vâng như trong chế độ ma-dzê in Việt Nam.
Hai ví dụ cụ thể. TT Bush con, ngay sau khi đắc cử, năm 2001 đã hợp tác chặt chẽ với TNS cấp tiến Ted Kennedy để ra luật cải tổ giáo dục No Child Left Behind, được cả hai phe thông qua dễ dàng. Cuối 2008, cần ra luật cứu nguy ngân hàng: bộ trưởng Tài Chánh của TT Bush con, Hank Paulson, quỳ gối trước mặt bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi trước mặt cả chục dân biểu và nhà báo, năn nỉ phe DC biểu quyết luật cứu nguy ngân hàng. Có khác với thái độ của TT Obama đối với ông Cantor không? Tất cả các luật của TT Bush con, từ kích cầu, cứu nguy kinh tế, đến cải tổ giáo dục, giảm thuế, an ninh quốc gia,… đều có phiếu của cả hai đảng.
Vì bế tắc chính trị, nhiều vấn đề lớn cho đến nay vẫn chẳng có giải pháp gì bất chấp những hứa hẹn đình đám của ứng viên Obama.
Hàng loạt vụ giết người tập thể vẫn chưa đưa đến biện pháp kiểm soát súng đạn nào sau gần 8 năm võ miệng. Ưu tư lớn của khối cấp tiến, hâm nóng địa cầu và môi trường sạch: chẳng có gì xẩy ra, ngoài chuyện ngăn cản việc thiết lập ống dẫn dầu từ Canada qua Texas, khiến mất cơ hội tạo việc làm cho mấy chục ngàn người. Vấn nạn di dân lậu Nam Mỹ vẫn y nguyên, nếu không muốn nói là trầm trọng hơn khi cả ngàn trẻ con Nam Mỹ mỗi ngày vẫn được lùa qua Mỹ làm mỏ neo cho bố mẹ chúng qua đoàn tụ gia đình sau.
Trong việc tạo đại đoàn kết, TT Obama thất bại hoàn toàn vì không giảm được mâu thuẫn chính trị, xã hội, văn hoá như đã hứa hẹn, cách biệt CH-DC, bảo thủ-cấp tiến, giàu–nghèo chỉ thấy tăng chứ không giảm. Có thể vì trong thâm tâm TT Obama thực sự không muốn, và đại đoàn kết chỉ là khẩu hiệu mỵ dân để tranh cử.
Trong cái thất bại đó, nước Mỹ gánh chịu những tai họa nặng nề nhất. Một số không nhỏ dân Mỹ tức giận, lo sợ đủ chuyện, sợ bị nhà giàu bóc lột, sợ bị cảnh sát bắn, sợ mất job cho di dân La-tinh, sợ khủng bố tràn ngập, sợ đóng thuế tới phá sản, sợ giá trị gia đình, văn hoá và tôn giáo bị đảo lộn. Đưa đến sự ra đời của những nhóm cực tả (Occupy Wall Street) và cực hữu (Tea Party).
Nước Mỹ từ những ngày nội chiến thời TT Lincoln cách đây hơn 100 năm, chưa khi nào phân hoá, nhóm này chống khối kia nặng nề như ngày nay. Nhìn vào phản ứng của cử tri của bà Hillary sau khi ông Trump đắc cử thì rõ, một phản ứng cuồng tín chưa bao giờ thấy trong lịch sử Mỹ.
2. MÂU THUẪN MÀU DA
TT Obama đắc cử một phần không nhỏ vì cả nước hy vọng một tổng thống với hai dòng máu như ông sẽ là cầu nối giữa hai khối da trắng và da đen, giải quyết tận gốc vấn nạn kỳ thị của xứ Mỹ này. Gần 70 triệu người, tuyệt đại đa số là da trắng, ngất ngây bầu cho ông vì “hy vọng”.
Thực tế, hy vọng biến thành ảo vọng. TT Obama thất bại nặng nề, khi chưa bao giờ nước Mỹ từ những ngày rối loạn của thập niên 1960 lại gặp xung khắc màu da nặng như bây giờ.
Da đen bị cảnh sát bắn, cảnh sát bị da đen giết, chưa bao giờ nhiều như bây giờ. Các phong trào cực đoan Black Lives Matter [Mạng Da Đen Đáng Kể] hay Blue Lives Matter [Mạng Cảnh Sát Đáng Kể] xuất hiện. Cũng là lần đầu tiên từ thời TT Carter cách đây gần nửa thế kỷ, dân da đen lại nổi loạn, cướp bóc, đốt phá. Và lạ lùng thay, tổng thống công khai đứng về phiá những người cùng màu da chống những cảnh sát hy sinh giữ an ninh trật tự cho cả nước. Khi nghe tin cảnh sát bắt một ông giáo sư da đen, TT Obama phán ngay “cảnh sát ngu xuẩn”, dù chưa biết hư thực thế nào.
Người ta đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân xung khắc? Da trắng thấy có tổng thống da đen nên đâm ra ghét da đen nhiều hơn? Hay da đen có tổng thống cùng mầu da bênh mình nên ngang ngược hơn? Đã có ai đặt câu hỏi tại sao trong lịch sử cận đại Mỹ, dân da đen không bao giờ biểu tình, đốt phá dưới thời các tổng thống CH Eisenhower, Nixon, Ford, Bush cha và Bush con, mà chỉ dưới thời tổng thống DC Kennedy, Johnson, Carter và Obama? Có phải vì dân da đen lạm dụng các tổng thống DC không?
Truyền thông phe ta ồn ào tố nước Mỹ kỳ thị nhất. Lạ nhỉ! Cái xứ này là xứ duy nhất ngoài Phi Châu đã hai lần bầu cho một ông đen làm tổng thống khi dân da đen chỉ có hơn một phần mười dân số. Vậy mà lại là xứ kỳ thị nhất thế giới sao?
Khi 95% dân da đen bỏ phiếu cho TT Obama thì không ai dám nói đó là vì cùng màu da. Nhưng khi có ai chỉ trích ông [kể cả kẻ này] thì có ngay vài tiếng lao nhao “kỳ thị”!
Quan hệ dân da đen với hai đảng DC và CH rất phức tạp, đã chuyển hướng 180 độ trong nửa thế kỷ qua. Nguyên thủy, CH chủ trương bẻ xích nô lệ cho da đen trong khi DC chống, đưa đến nội chiến dưới thời TT CH Abraham Lincoln. Cho đến năm 1950, TT Eisenhower của CH vẫn còn được gần 70% phiếu da đen. Thời đó, DC là đảng của miền Nam kỳ thị trong khi vùng đông bắc –nhất là New York- là thành đồng của CH.
TT Kennedy của DC không hồ hởi gì với dân da đen. Ông và ông em, bộ trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, tìm cách hạ uy tín của mục sư Martin Luther King, cho FBI theo dõi, lập hồ sơ gái gú lăng nhăng của ông. Cả hai ông thất bại, nhưng TT Johnson sau đó đủ khôn ngoan chính trị để “ôm” lấy cuộc nổi loạn của dân da đen, tự khoác cái áo Superman tranh đấu cho họ, ban hành các luật nhân quyền và dân quyền cho họ năm 1965. TT Johnson tuyên bố một câu để đời “vì mấy tên mọi –niggers- này mà đảng DC sẽ mất hết miền Nam”. Quả đúng như vậy, dân da trắng miền Nam nhất loạt bỏ đảng DC, biến miền này thành đất CH, bắt buộc DC phải mua chuộc khối da đen bằng chính sách trợ cấp thả giàn, khiến da đen hoàn toàn ngả về DC.
Trong vấn đề hàn gắn trắng đen, TT Obama cũng thất bại hoàn toàn, vừa không đạt được mục tiêu cá nhân, vừa di hại lớn cho nước Mỹ.
3. CHUYỂN HƯỚNG QUA CẤP TIẾN
Khi còn vận động tranh cử năm 2008 thì ông Obama tương đối ôn hoà, chống lại bà Hillary mà ông tố là thiên tả cực đoan. Nhưng ngay sau khi đắc cử thì quan điểm cấp tiến cực đoan hiện rõ ngay.
Những cải cách theo hướng cấp tiến có hậu quả lớn và lâu dài nhất gồm có việc áp đặt chính sách kinh tế nợ ngập đầu với mục đích tái phân phối lợi tức, và gia tăng đủ loại trợ cấp an sinh mà ta sẽ bàn trong bài tới.
Trên phương diện văn hóa, chính sách cấp tiến, “phải đạo chính trị”, được thể hiện qua việc tích cực tranh đấu cho nữ quyền, hôn nhân đồng tính, quyền lợi của khối lưỡng tính và chuyển giới. Rồi đến những quyết định xoá bỏ những vết tích Nam quân của thời nội chiến vẫn làm dân da đen sợ hãi cả trăm năm sau, dẹp bỏ những biểu tượng của Thiên Chúa giáo bây giờ bị tố quá tàn nhẫn đối với Hồi giáo trong thời Thập Tự Chinh cách đây mấy trăm năm, để ca tụng Hồi giáo như tôn giáo của hoà bình và tình thương bất kể khủng bố đang đánh bom tứ phiá, mở cửa đón di dân Hồi, cổ võ việc ân xá di dân lậu gốc Nam Mỹ, nhân danh một nước Mỹ đa dạng và nhân bản, trong khi âm thầm đếm số cử tri tương lai.
Việc chuyển hướng qua phiá tả có lợi hay hại cho nước Mỹ tùy thuộc quan điểm mỗi người. Người cấp tiến dĩ nhiên sẽ coi đây là một bước tiến đúng hướng tiến bộ của văn minh nhân loại. Ngược lại người bảo thủ sẽ than vãn về suy đồi đạo đức, mất giá trị văn hoá cổ truyền.
Việc TT Obama nâng đỡ các khối dân thiểu số là điều đáng ca ngợi, nhưng khi ông quá chú tâm vào khối thiểu số này, lơ là khối dân da trắng lao động và nhất là trung lưu, bỏ mặc họ vật lộn với thất nghiệp, lương thấp, chi phí y tế cao, giáo dục con cái bết bát, đời sống tinh thần đảo lộn, an ninh cá nhân bị đe dọa,… thì chính ông đã tạo ra những bất mãn lớn, đưa đến sự ra đời của các hiện tượng cực đoan Sanders và Trump. Và sự thất bại của bà Hillary, mà chẳng cần đến bàn tay lông lá của Putin xiá vào.
Trong việc chuyển hướng qua cấp tiến, TT Obama đã thành công lớn trên phương diện cá nhân vì đã đạt được mục đích. Nước Mỹ chưa bao giờ cấp tiến rõ nét như bây giờ, kể từ thời TT Johnson.
KẾT
Dân Mỹ nghĩ sao? Chỉ cần nhìn vào kết quả các cuộc bầu cử thì biết, khỏi tranh cãi.
Dưới 8 năm của TT Obama, dân Mỹ đã có cơ hội cho mấy ông bà bảo thủ của “the party of no” về nhà đuổi gà qua 4 lần bầu cử 2010-12-14-16. Nhưng không, họ đại thắng cả 4 lần, với đảng DC mất tổng cộng 11 thống đốc, 8 thượng nghị sĩ liên bang, 63 dân biểu liên bang, và khoảng 950 dân biểu và nghị sĩ tiểu bang, nhiều hơn dưới bất cứ tổng thống nào khác trong lịch sử Mỹ. Số dân biểu CH tại Hạ Viện liên bang hiện nay là con số lớn nhất kể từ 1928, cách đây gần 90 năm. CH bây giờ kiểm soát cả hai viện quốc hội liên bang, sẽ kiểm soát luôn Tối Cao Pháp Viện trong vài chục năm tới, và nắm quyền tại 33 tiểu bang so với 17 tiểu bang DC. Trong lịch sử cận đại, chưa có một tổng thống nào đã mang tai họa lớn cho đảng mình như TT Obama. Đó là gia tài chính trị lớn nhất TT Obama để lại.
Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Washington Post phán “cử tri của Trump chỉ là một đám da trắng nổi giận”. Một nửa nước, 62 triệu người nổi giận? Đó có phải là gia tài của một tổng thống giỏi không?
Sau cuộc bầu cử, thiên hạ đã bàn quá nhiều về hai yếu tố: những điểm yếu của cá nhân bà Hillary, và cuộc nổi loạn của dân lao động các tiểu bang kỹ nghệ. Nhưng có một yếu tố nữa không thể bỏ qua. Dân Mỹ bác bỏ toàn diện chính sách cấp tiến của TT Obama. Bằng chứng? Các tiểu bang xôi đậu trước đây bầu cho TT Obama như Florida, North Carolina và Iowa: tại đây, chẳng có dân lao động nổi giận vì mất job gì hết, nhưng họ vẫn không bỏ phiếu cho bà Hillary, tức là bác bỏ Obama nhiệm kỳ 3. Một sai lầm nữa của bà Hillary là đã ôm TT Obama quá chặt.
TTDC gân cổ cãi bà Hillary thắng gần 3 triệu phiếu phổ thông theo kết quả cuối cùng, mà ém nhẹm thắng lợi này trên căn bản chỉ dựa trên hai tiểu bang khổng lồ là Cali và Nữu Ước. Ngoài hai tiểu bang này ra, trên tổng số của 48 tiểu bang còn lại, bà Hillary thua 3 triệu phiếu. Những đổ thừa cho Putin và wikileaks xì emails đều không giải thích được thảm bại te tua của DC trên khắp nước, không dính dáng gì đến bà Hillary.
Nước Mỹ dưới TT Obama ngày một mất căn tính quốc gia –national identity-, trở thành một nồi cháo hổ lốn, trong đó quốc kỳ bị đốt, chào quốc ca trở thành chuyện tùy hỷ, tổng thống –bất kể ai- bị cả nửa nước khinh miệt, nhục mạ, và nước Mỹ bị cả thế giới coi thường. Ngay cả căn tính cá nhân cũng đang mất dần khi chẳng ai rõ ai là đàn ông, ai là đàn bà, ai là… nửa nạc nửa mỡ.
Thất bại lớn của TT Obama là đã không tạo được một hậu thuẫn chính trị vững mạnh và lâu dài, không “cấy” được người thừa kế để bảo vệ gia tài cấp tiến của ông. TT Reagan đã để lại dấu ấn, mang nước Mỹ vào khung bảo thủ trong 20 năm sau khi ông mãn nhiệm. TT Obama ra đi, để lại một gia tài mà TT Trump sẽ xóa gần hết trong vòng một năm. (25-12-16)
Phần 2 – Kinh Tế
Kinh tế là đề tài tạo nhiều hiểu lầm và tranh cãi nhất, chỉ vì chính quyền Obama với sự đồng lõa của TTDC cố tình tung hỏa mù che dấu sự thật trong một vấn đề hết sức phức tạp mà người dân bình thường khó hiểu rõ giữa một rừng thống kê.
TT Obama lãnh một gia tài khủng khiếp: khủng hoảng tài chánh và kinh tế có thể nói lớn nhất thế kỷ. Bài ca của TT Obama: đây là đại họa do TT Bush gây ra, may nhờ có phép lạ Obama chứ không thì nước Mỹ đã thành… bãi tha ma rồi.
Sự thật, phải lập lại một lần nữa: cuộc khủng hoảng chỉ là hậu quả tích lũy mấy chục năm của 2 quyết định mỵ dân sai lầm vĩ đại của 2 tổng thống DC, Jimmy Carter và Bill Clinton. Năm 2008, nước tràn khỏi ly, cho dù tổng thống nào nắm quyền cũng lãnh đạn. Chẳng qua TT Bush có “số ăn mày”, làm tổng thống không đúng lúc. Nhưng ông cũng là tổng thống đã lấy những biện pháp cứu chữa cần thiết ngay trước khi TT Obama nhậm chức. Cả trăm cuốn sách đã bàn về đề tài này, nên tìm đọc để có thể nhận định trong sự hiểu biết thay vì nhắm mắt phê phán theo phe phái. (*)
Năm 1978, TT Carter ra luật Community Reinvestment Act, Luật Tái Đầu Tư Vào Cộng Đồng, bắt các ngân hàng giúp phát triển cộng đồng, thực tế là ép ngân hàng cho dân da đen mượn tiền mua nhà nhiều hơn. Nhưng khối dân này phần lớn không đủ tiêu chuẩn vay mượn. Các ngân hàng bị ép phải dễ dãi hoá, đưa đến sự ra đời của nợ dưới tiêu chuẩn –subprime loans. TT Carter chính là cha đẻ của nợ dưới tiêu chuẩn.
Chính sách này bị đóng băng 12 năm dưới thời TT Reagan và TT Bush cha. Với TT Clinton từ 1993, bộc phát mạnh lại, nhất là sau khi ông thu hồi luật kiểm soát ngân hàng Glass-Steagall Act đã có từ đầu thế kỷ, thả lỏng cho các ngân hàng sát nhập vào nhau thành những đại tập đoàn thao túng thị trường tài chánh cả thế giới, chế ra đủ loại nợ và công cụ tài chánh hắc ám mà chẳng ai kiểm soát được.
Nhưng quan trọng nhất là việc chính quyền Clinton áp lực hai tổ chức tài chánh bán công Fannie Mae và Freddie Mac mua lại tối đa những nợ mua nhà của ngân hàng để các ngân hàng có tiền cấp thêm nợ nữa. Các ngân hàng không còn sợ bị nợ xấu vì có thể bán hết các nợ lại cho hai tổ chức này, nên càng hạ thấp tiêu chuẩn cho vay. Bao nhiêu nợ xấu, hai tổ chức này hốt hết. Vòng xoáy đi vào khủng hoảng.
TT Bush con nhậm chức đầu 2001, chưa kịp làm gì thì xẩy ra vụ 9/11 đảo lộn mọi chương trình. Dù vậy, đầu 2003, bộ trưởng Tài Chánh, John Snow, cũng ra trước quốc hội, cảnh giác mối nguy hại của nợ mua nhà quá nhiều, quá dễ, yêu cầu quốc hội xiết chặt việc kiểm soát ngân hàng. Phe DC, cầm đầu bởi nghị sĩ Chuck Schumer (New York) và dân biểu Barney Frank (Massachusetts), la hoảng “Tình trạng rất tốt đẹp, Bush kiếm cớ không cho dân nghèo mua nhà!” Từ 2003 đến 2007, TT Bush yêu cầu quốc hội kiểm soát ngân hàng chặt lại tổng cộng 17 lần. Khối đa số DC biểu quyết chống không trừ một người. Cho đến ngày khủng hoảng nổ bùng tháng 10/2008 (1).
Khủng hoảng xẩy ra dưới thời Bush, nhưng thực sự, ông không phải là tác giả của chính sách mỵ dân cho vay ào ạt, cũng chẳng siết chặt tín dụng lại được vì bị quốc hội DC khóa tay khi họ chỉ nhìn thấy số dân nghèo mua nhà tăng vọt, bảo đảm cái ghế dân cử của họ.
Đổ lỗi Bush tạo ra đại khủng hoảng hay tố mấy tổng thống CH như Reagan, Bush cha và con đã không làm gì để kiểm soát bong bóng gia cư là không hiểu gì về câu chuyện, hay cố tình viết lại lịch sử.
Phe ta khoe công của TT Obama đã chặn đứng khủng hoảng và khôi phục kinh tế qua các biện pháp cứu hệ thống tài chánh, cứu các hãng xe, kích động kinh tế, v.v…
Sự thật, triệu chứng khủng hoảng hiện rõ nét từ giữa 2008, khi Fannie Mae và Freddie Mac ôm khoảng 5.000 tỷ nợ; lỗ 15 tỷ trong năm. Tháng 9/2008, TT Bush bơm 200 tỷ mua cổ phiếu và cấp tín dụng, đặt cả hai tổ chức dưới sự giám sát –conservatorship- của chính phủ để cứu cả hai.
TT Bush tháng 10/2008 ký luật TARP [Troubled Assets Recovery Program], ứng ra 700 tỷ tiền mặt ra cứu hệ thống ngân hàng. Cả trăm ngân hàng nhận được tiền mặt để có đủ thanh khoản giữ niềm tin của quần chúng trong khi các biện pháp cải tổ được áp dụng để giải quyết khối nợ xấu. Một số lớn nợ xấu được chính phủ mua lại. Điều đáng nói là sau này, Nhà Nước đã thu lại đầy đủ 700 tỷ không mất xu nào mà còn lời vì tiền lãi các ngân hàng phải hoàn trả lại cho Nhà Nước.
Sau đó, cũng TT Bush khẩn cấp trích ra 17,5 tỷ trong TARP cho hai hãng xe GM và Chrysler có tiền trả nợ và trả lương nhân viên, khỏi khai phá sản tháng 12/2008. Sau khi TT Obama nhậm chức thì ông tiếp tục cứu hai hãng xe này thật, nhưng cách TT Obama “cứu” kỹ nghệ xe hơi là đề tài tranh cãi bất tận vì cái giá kinh hoàng phải trả dưới áp lực của các nghiệp đoàn muốn TT Obama phải cứu hai hãng xe này bằng mọi giá để giữ việc làm cho họ. Ông “cứu” bằng cách bắt cả hai công ty khai phá sản, xù hàng tỷ tiền nợ [nợ ngân hàng, nợ các nhà cung cấp phụ tùng, nợ các đại lý khiến 2.500 đại lý bán xe phá sản], xóa hàng tỷ bạc trái phiếu và cổ phiếu khiến hàng triệu người mất tiền đầu tư, tiền để dành qua các quỹ hưu. Khác với biện pháp TARP, lần này Nhà Nước mất đứt 23 tỷ, và phải bán tháo Chrysler cho Fiat, chỉ cứu được GM. (2).
TT Obama khoe đã cải tổ luật kiểm soát ngân hàng, sẽ không còn khủng hoảng kiểu 2008 nữa. Chuyện này sẽ chẳng ai kiểm chứng được cho đến khi khủng hoảng lần tới nổ bùng ra.
Riêng về kích cầu thì luật kích cầu đầu tiên được TT Bush ban hành từ tháng 2/2008 [Economic Stimulus Act of 2008], một năm trước khi TT Obama nhậm chức.
Biện pháp kích cầu này chưa đủ, TT Obama đưa ra luật kích cầu mới (American Recovery and Reinvestment Act of 2009), tổng cộng 800 tỷ. Ông rao bán luật mới: thất nghiệp khi đó đang ở mức nguy hiểm 6%, chấp nhận kế hoạch kích cầu của ông thì thất nghiệp sẽ giảm ngay xuống mức bình thường 4%-5%, không phê chuẩn thì thất nghiệp sẽ tăng lên mức nguy hiểm 8% ngay. Lưỡng viện quốc hội do DC kiểm soát, mau mắn tuân lệnh, không có một phiếu nào của CH hết.
Khác với luật kích cầu của TT Bush dựa trên giảm thuế để dân có tiền mua sắm để kích động lại kinh tế, luật của TT Obama theo đúng sách vở cấp tiến neo-keynesian, tung tiền thuế của dân cho hàng ngàn dự án chi tiêu đủ loại của Nhà Nước, lặt vặt, phần nhiều chẳng có tác động gì quan trọng, kiểu như… trồng hoa trong nhà tù (!) và một số lớn đi vào foodstamps, trợ cấp an sinh, medicaid, và triển hạn trợ cấp thất nghiệp. Chẳng bao nhiêu tiền được tung vào khu vực sản xuất, khiến không giảm thất nghiệp được mà lại đẻ ra phong trào Tea Party chống việc lấy tiền thuế nuôi dân suốt ngày nằm nhà nướng hăm-bơ-ghơ, uống bia, coi football, hay… đẻ con.
Luật được thông qua, nhưng trái với lời rao hàng của TT Obama, chưa đầy nửa năm sau, thất nghiệp vọt lên… 10%. TT Obama bẻn lẻn thú nhận “no shovel-ready big projects”, tức là không có dự án lớn nào sẵn sàng để thực hiện. Dù vậy, 800 tỷ cũng mau chóng được tiêu sạch.
Tỷ lệ thất nghiệp mãi cho đến cuối 2014 mới bắt đầu giảm xuống rất chậm cho tới 4,6% tháng 11/2016 (với gần 8 triệu người thất nghiệp), vẫn cao hơn mức thất nghiệp của TT Bush trước khủng hoảng là 4,4% tháng 7/2007 (3). Tức là sau 8 năm, vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Hai tỷ lệ thất nghiệp nêu trên của TT Obama và TT Bush có vẻ bằng nhau, nhưng thật ra không so sánh với nhau được. Khi TT Obama nhậm chức, có 80 T (triệu) người nằm ngoài thị trường lao động, tức là không tính trong tỷ lệ thất nghiệp. Tháng 11/2016, có tới 95 T, tức là có thêm 15 T người đã bị loại khỏi thị trường lao động (4). Trong 95 T đó, đại khái có 40 T về hưu, 15 T sinh viên, 5 T linh tinh (quân nhân, tù nhân, người bệnh,…), còn lại 35 T thất nghiệp quá lâu. Nếu kể cả số người thất nghiệp quá lâu này thì tỷ lệ thất nghiệp thực thụ là 9,3% chứ không còn là 4,6% nữa, theo đài truyền hình CNBC [phe ta đấy] (5).
Ở đây, cũng phải nói thêm là số người bị loại ra khỏi thống kê lao động còn được tăng cường bởi số người về hưu non và sinh viên tiếp tục đi học không gia nhập thị trường lao động được vì không tìm được việc làm. Theo Newsweek [cũng phe ta đấy], nếu kể tất cả thì tỷ lệ thất nghiệp thực thụ là 12,1% cuối 2016, một kỷ lục khác rất xa với cái 4,6% mà TT Obama khoe (6). Tỷ lệ dân số có việc làm là 62%, thấp nhất kể từ thời TT Carter cách đây hơn 40 năm.
TT Obama khoe là ông đã tạo được 14 T việc làm. Đâu là sự thật? Đây là những con số chính thức:
-
Tháng 2/2009 (TT Obama nhậm chức): 134 T người có việc.
-
Tháng 12/2009 (thất nghiệp cao nhất): 130 T người có việc, tức là mới có thêm 4 T người mất việc từ ngày TT Obama nhậm chức.
-
Tháng 9/2016 (thống kê mới nhất): 144 T người có việc.
-
Kết số thuần từ thất nghiệp thấp nhất đến thất nghiệp cao nhất: 144 – 130 = 14 T việc được “tạo” ra (đây là cách tính của TT Obama).
-
Kết số thuần tính theo nhiệm kỳ: 144 – 134 = 10 T việc được “tạo” ra từ ngày TT Obama nhậm chức.
-
Số việc bị mất trong khủng hoảng, sau đó có lại: 9 T (7)
-
Số việc làm “mới” thực sự “tạo” ra dưới 2 nhiệm kỳ Obama: 10 - 9 = 1 T.
Tính theo cách tương tự thì TT Bush tạo ra hơn 8 T việc nhưng mất 7 T (3 T trong khủng hoảng dot.com năm 2001 do TT Clinton để lại, và 4 T trong khủng hoảng gia cư), tức là thực sự cũng đã tạo ra có 1 T việc làm mới.
Tức là TT Bush và TT Obama, mỗi người thực sự chỉ tạo được 1 T việc làm mới. TT Clinton may mắn không gặp khủng hoảng, tạo được gần 23 T việc trong 2 nhiệm kỳ của ông. (8)
Nhưng cuộc phục hồi của TT Obama với 10 T người có việc lại, theo New York Times (vẫn phe ta), lại được đánh dấu bằng kỷ lục số người tìm được việc làm với mức lương thấp hơn (9), và kỷ lục số người làm việc bán thời không có quyền lợi nghỉ hè hay bảo hiểm y tế. Tỷ lệ thất nghiệp U-6, tức là tỷ lệ kể cả những người chỉ kiếm được việc bán thời đã giảm từ cao điểm khủng hoảng 17% năm 2009 xuống 9,5% tháng 10/2016, nhưng vẫn cao hơn mức trước khủng hoảng của TT Bush là 7,9%. (10)
Một đặc điểm nữa: số việc làm trong khu vực chế xuất [manufacturing sector] động cơ quan trọng nhất của kinh tế, khi TT Obama nhậm chức là 12,4 T, đến tháng 11/2016 là 12,3 T. Giảm 100.000 trong 8 năm (11). Tức là 10 T việc TT Obama “tạo” ra hay phục hồi lại, phần lớn nằm trong khu vực công chức [public sector - không chế toạ gì] và dịch vụ [service sector - kiểu nhà hàng McDonald, cũng chẳng sản xuất gì, mà lại trả lương tối thiểu].
Khó ai có thể chối cãi, kinh tế Mỹ đang chuyển hướng mạnh vì những tiến bộ khoa học, khiến máy móc và computer càng ngày càng thay thế con người, cũng như khuynh hướng toàn cầu hoá đã chuyển jobs qua những xứ chậm tiến, đưa đến tình trạng thất nghiệp cao ở Mỹ. Hiểu vậy, nhưng vấn đề đặt ra là chính quyền Obama đã làm gì để đối phó với tình trạng này? Nhiều kinh tế gia đã kêu gọi Nhà Nước giúp thiên hạ chuyển ngành, học nghề mới,… hay giảm thuế giúp tạo cơ sở kinh doanh mới tại Mỹ, hay ngăn cản các công ty di chuyển ra ngoài nước.
Chính quyền Obama đã làm gì? Mắc tranh cãi những chuyện phải đạo chính trị như xây cầu tiêu cho dân chuyển giới.
TT Obama quá tệ? Không hẳn. Sự thật là phục hồi hay tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp, chưa bao giờ là ưu tư của TT Obama bất kể ông tuyên bố chuyện gì. Nói như Mỹ, ông không… care!
TT Obama quan niệm khủng hoảng kinh tế hay thất nghiệp cao chỉ là những hiện tượng chu kỳ, đến rồi đi. Do đó, ưu tiên của ông trong hai năm đầu là làm sao thông qua được thành quả để đời là Obamacare, vì ông sợ đến bầu cử năm 2010, CH có thể chiếm lại đa số tại quốc hội và ông sẽ mất cơ hội ngàn năm một thuở để thông qua Obamacare. Ở đây, TT Obama tính toán rất chính xác. Năm 2010, CH chiếm đa số tại Hạ Viện đúng như ông lo sợ.
Khi ông chú tâm vào kinh tế, thì ưu tiên của ông không phải là phục hồi và tăng trưởng kinh tế lại, mà là tái phân phối lợi tức, vay tiền tứ tung để ban phát lại với chủ đích giảm cách biệt lợi tức, nâng đỡ các thành phần lợi tức thấp. Kết quả khá rõ nét với 4 kỷ lục:
-
kỷ lục công nợ trong 7 năm: tăng từ 10.000 tỷ lên gần gấp đôi, 19.000 tỷ;
-
kỷ lục thâm thủng ngân sách: tổng cộng 7.100 tỷ trong 7 năm đầu của TT Obama, so với 1.700 tỷ thâm thủng trong 7 năm đầu của TT Bush. (12)
-
kỷ lục số người sống nhờ trợ cấp dưới hình thức này hay khác, 153 T, một nửa dân Mỹ; (13)
-
kỷ lục số người lãnh phiếu thực phẩm foodstamp, 51 T, cứ 6 người dân thì 1 người sống nhờ foodstamps. (13)
Nếu định nghiã kinh tế thành công là kinh tế trói dân nghèo vào trợ cấp để được tái đắc cử thì TT Obama là một thiên tài. Nếu định nghiã kinh tế thành công là làm cho dân giàu, tự lực cánh sinh, thì TT Obama là một đại hoạ.
Các chuyên gia kinh tế ghi nhận khủng hoảng kinh tế chấm dứt tháng 6/2009. Từ đó đến nay, kinh tế đã từ từ phục hồi lại. Nhưng TT Obama đã là tổng thống duy nhất trong lịch sử cận đại chủ trì một nền kinh tế chưa bao giờ biết tăng trưởng 3% là gì. Không ai có thể nói kinh tế chưa phục hồi, nhưng phục hồi kinh tế của TT Obama, theo CNN [vẫn phe ta đấy] là cuộc phục hồi tốn kém, chậm và yếu nhất lịch sử Mỹ. (14)
Phe ta thường khua chiêng trống về sự tăng vọt của các chỉ số chứng khoán như một thành công của chính sách kinh tế Obama. Chỉ số Dow Jones ở khoảng 8.000 điểm khi TT Obama nhậm chức, hiện nay đã xấp xỉ 20.000. Quá tốt? Ta thử nhìn kỹ hơn.
Áp dụng châm ngôn của cựu Chánh Văn Phòng của TT Obama, Rahm Emanuel, “không nên để mất cơ hội do khủng hoảng tạo ra”, các công ty Mỹ lợi dụng khủng hoảng kinh tế năm 2008-09, sa thải hàng triệu nhân công, tinh giản hoá, cơ giới hoá và điện toán hoá tối đa, rồi thuê lại một phần nhân viên nhưng bán thời hay với mức lương thấp hơn. Kết quả là tiết kiệm được tiền lương, tức là mục chi tiêu lớn nhất, và lời to. Thế là trị giá cổ phiếu tăng vọt.
Chứng khoán tăng như vậy ai hưởng lợi? Lợi cho tài phiệt hay dân lao động cả đời chưa biết được cái cổ phiếu hình thù như thế nào? Nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett trong năm 2016 thấy gia tài mình tăng thêm 12 tỷ, hay mỗi tháng một tỷ. Quý độc giả thấy lương mình tăng mỗi tháng bao nhiêu khi Dow Jones tăng ào ào mấy năm qua? Vài ngàn ông tài phiệt làm giàu to trên lưng cả triệu công nhân bị mất job: chính sách kinh tế đó tốt hay xấu? Hãy hỏi đám thợ thuyền đã bầu cho Trump tại sao họ không mừng khi thấy Dow Jones nhẩy vọt?
Nhiều người cho rằng chứng khoán tăng, công ty có thêm vốn, sẽ đầu tư mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm. Nền tảng của kinh tế tư bản? Quá tốt? Không hẳn. Ông Buffett mở bao nhiêu hãng, mướn thêm bao nhiêu nhân viên? Zero! Một ví dụ khác: Apple. Giá cổ phiếu Apple là khoảng 25 đô năm 2008. Giá mới nhất hơn 100 đô, tăng gấp 4 lần. Apple mở bao nhiêu hãng xưởng, mướn thêm bao nhiêu người? Cũng zero! Apple tích luỹ hơn 250 tỷ tiền mặt, để hết ở ngoài nước, lập hãng lắp iPhone tại Trung Cộng, chỉ giúp cho kinh tế TC chứ không phải kinh tế Mỹ. Tại sao? Vì TT Obama suốt ngày đe dọa tăng thuế các đại công ty.
Ở đây có điểm đáng nói nữa. Chỉ số cổ phiếu tăng vọt làm giàu cho các đại gia Wall Street. Đối chiếu với những kỷ lục dân sống nhờ trợ cấp, ta thấy hai khối dân tăng vọt: khối giàu nhất và khối nghèo nhất: tức là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn rộng thêm dưới chính sách kinh tế của TT Obama.
Các quan thái giám CNN mới đây tung hô Hoàng Đế Obama đã để lại một gia tài tuyệt vời cho TT Trump khi kinh tế đã tăng trưởng tới 3,2% trong quý 3 năm nay. Hơn 9.000 tỷ công nợ, 7.000 tỷ bội chi ngân sách, và 2.000 tỷ tiền bơm vào kinh tế qua chính sách dễ dãi tiền (Quantitative Easing – QE), mà chỉ đẻ ra được 3% tăng trưởng sau 8 năm? Vác dao mổ trâu đập được con nhặng rồi đấm ngực khoe công?
Thật ra, cái gia tài huy hoàng mà TT Obama để lại cho TT Trump chính là 19.000 tỷ công nợ và 7.000 tỷ thâm thủng ngân sách mà TT Trump sẽ không giải quyết được cho dù làm 5 nhiệm kỳ. Chưa kể một nửa dân Mỹ lệ thuộc trợ cấp. (01/01/17)
==(*) Muốn biết rõ câu chuyện khủng hoảng gia cư, đọc Reckless Endangerment – Gretchen Morgenson (Chuyên gia tài chánh của New York Times)==
(1) https://www.youtube.com/watch?v=cMnSp4qEXNM
(2) http://www.politifact.com/truth-o-meter/article/2012/sep/06/did-obama-save-us-automobile-industry/ (Politifact)
(3) http://data.bls.gov/timeseries/LNS14000000
(4) http://data.bls.gov/timeseries/LNS15000000
(5) https://www.yahoo.com/finance/news/many-them-doing-95-million-175823008.html
(6) http://www.newsweek.com/big-lie-rosy-unemployment-rate-489897
http://www.forbes.com/sites/louisefron/2014/08/20/tackling-the-real-unemployment-rate-12-6/#2509875b1e12
(7) https://www.google.com.vn/webhp?sourceid=chrome-instant&ion=1&espv=2&ie=UTF 8#q=how+many+jobs+were+lost+in+the+great+recession
(8) https://en.wikipedia.org/wiki/Jobs_created_during_U.S._presidential_terms
(9) http://www.nytimes.com/2014/04/28/business/economy/recovery-has-created-far-more-low-wage-jobs-than-better-paid-ones.html
(10) http://www.macrotrends.net/1377/u6-unemployment-rate
(11) http://data.bls.gov/timeseries/CES3000000001
(12) http://federal-budget.insidegov.com
(13) http://www.cnsnews.com/commentary/terence-p-jeffrey/354-percent-109631000-welfare (thống kê năm 2012, từ đó đến nay chỉ tăng chứ không giảm)
(14) http://money.cnn.com/2016/10/05/news/economy/us-recovery-slowest-since-wwii/index.html?iid=EL
Phần 3 – Obamacare
…Ít người tin TT Trump có thể vứt bỏ trọn vẹn Obamacare…
Lần này, ta bàn chuyện Obamacare. Đây là tác phẩm để đời của TT Obama.
Hiển nhiên Obamacare có mục đích nhân đạo khi tìm cách cung cấp bảo hiểm y tế cho toàn dân, hoàn toàn đáng hoan nghênh, nhưng cái giá phải trả quá lớn. Từ thời TT Nixon cho đến TT Clinton, các kế hoạch cải tổ y tế, mang bảo hiểm lại cho toàn dân đều thất bại, không phải vì chẳng có tổng thống nào lo cho dân, mà chỉ vì ai cũng thấy cái giá phải trả quá đắt, nước Mỹ không gánh nổi, dân chúng sẽ không chấp nhận và quốc hội sẽ không thông qua, kể cả TT Clinton khi kế hoạch cải tổ do bà Hillary đề xướng bị chìm xuồng không đưa ra quốc hội nổi năm 1993. TT Obama là người duy nhất bất chấp hết, kể cả nói láo, để có được Obamacare vì tư tưởng cấp tiến cực đoan của ông, cũng như tham vọng cá nhân muốn để lại dấu ấn lịch sử.
Điểm chính yếu trong Obamacare là toàn dân phải có bảo hiểm y tế, kể cả những người đã có bệnh nặng từ trước. Phải nhìn nhận đây là một bước tiến vĩ đại trong ngành y tế Mỹ mà không ai có thể chê bai hay chống đối được, ít nhất cũng vì lý do nhân đạo.
Dĩ nhiên biện pháp bắt buộc tất cả mọi người phải có bảo hiểm y tế mang tính nhân đạo khó chối cãi, nhưng thực tế không phải chỉ vì nhân đạo không thôi. Mục đích nữa là nhắm ép tất cả phải mua bảo hiểm để các hãng bảo hiểm thu đủ tiền bù đắp sở phí cao do việc bảo hiểm những người bị bệnh từ trước.
Đặc biệt là buộc giới trẻ phải mua bảo hiểm. Có hai cái lợi lớn: số tiền bảo phí thu được sẽ tăng, nhưng quan trọng hơn nữa, giới trẻ ít bệnh hoạn nên không có chi phí nhiều, thành ra tính qua tính lại, bảo hiểm cho khối này sẽ lời to, tiền bảo phí thu vào thì lớn trong khi chi phí y tế không bao nhiêu. Cái “lời” này hết sức cần thiết để bù đắp cái “lỗ” từ việc bảo hiểm những người già và những người bệnh nặng. Yếu tố trụ cột để chống đỡ Obamacare chính là khối trẻ này.
Obamacare cũng lập ra cái gọi là trung tâm phối hợp –exchanges- trong đó các hãng bảo hiểm cung cấp bảo hiểm rẻ hơn bình thường, nhưng dĩ nhiên với nhiều giới hạn khắt khe hơn, thêm vào đó, được Nhà Nước trợ cấp tiền bảo phí. Trên căn bản, tương tự như một hệ thống bảo hiểm song song với hệ thống tư nhân, để cạnh tranh và giúp giảm giá cả.
Đó là nền tảng lý luận của Obamacare. Nhưng trên thực tế Obamacare thất bại hoàn toàn. Thất bại khi chi phí y tế tăng, trong khi thu hoạch của các hãng bảo hiểm giảm đưa đến lỗ lã nặng cho họ.
Trên căn bản, Obamacare thất bại vì khởi đi và dựa trên ba câu nói láo:
-
“Quý vị thích bảo hiểm đang có, sẽ giữ được nguyên trạng”: thực tế, tất cả mọi người đều mất bảo hiểm, bác sĩ, nhà thương đang có.
-
“Nếu không có bảo hiểm, phải đóng tiền phạt, đó không phải là thuế”: Tối Cao Pháp Viện phán quyết đấy chính là thuế trá hình.
-
“Obamacare sẽ giảm chi phí y tế trung bình $ 2.500 một năm cho mỗi gia đình”: tất cả dữ liệu mới nhất cho thấy trung bình, mỗi gia đình tốn thêm $ 4.000.
CHI PHÍ Y TẾ TĂNG – PHẨM CHẤT KÉM
Khi rao bán Obamacare, TT Obama long trọng hứa cả ba điều trên. Cả ba đều là hứa hão. Ngoại trừ những người giàu nhất dư tiền mua bảo hiểm theo ý mình, tất cả mọi người đều phải đổi bảo hiểm, phần lớn đổi luôn cả bác sĩ và thuốc, rồi nhà thương luôn. Chi phí mua bảo hiểm, phần đóng góp –copay- của mỗi người, tiền túi bệnh nhân phải trả trước –deductibles- và tiền chữa trị, thuốc men, nhà thương đều tăng đồng loạt.
Quan trọng hơn nữa, tiền mua bảo hiểm, kể cả bảo hiểm trong exchanges cũng tăng nhất loạt trong những năm qua, từ 10% đến 40% tùy tiểu bang, tùy hãng, và tùy trường hợp. Năm nay, 2017 hứa hẹn bảo phí sẽ tăng mạnh hơn nữa.
Nói chung, Obamacare cũng không khác gì tất cả các luật khác, có người được lợi, có người chịu thiệt thòi. Những người bị bệnh nặng không mua bảo hiểm được sẽ có bảo hiểm, trong khi đại đa số giới trung lưu và thợ thuyền bị thiệt hại nặng, vừa thấy chi phí y tế tăng mạnh, vừa phải đổi nhà thương, bác sĩ, thuốc men, vừa phải chờ lâu hơn để lấy hẹn. Thiệt thòi nặng nhất là giới trẻ dù còn sức khoẻ nhưng vẫn đóng bảo phí nặng để tài trợ cho bảo hiểm của người cao niên, và người đã có bệnh trước.
Có một điểm đặc biệt chỉ có trong nền y tế Mỹ mà Obamacare cũng như TTDC tuyệt đối tránh đề cập. Lý do chính tại sao chi phí y tế Mỹ cao nhất thế giới chính là vì tiền bảo hiểm các nhà thương, hãng thuốc và bác sĩ phải đóng đề phòng bị kiện vì sai lầm chữa trị -malpractice insurance. Ai cũng biết mỗi lần một bệnh nhân bị tai nạn chữa trị là họ sẽ thưa kiện ngay, và hầu hết đều thắng kiện, được bồi thường bạc triệu như chơi. Hậu quả trực tiếp là hai việc: tiền bảo hiểm sai lầm chữa trị rất cao, và các bác sĩ và nhà thương phải rất kỹ lưỡng, bắt bệnh nhân phải qua đủ thứ thử nghiệm hết sức tốn kém mà phần lớn không cần thiết trước khi chẩn bệnh, chữa trị và cho thuốc. Thử nghiệm đủ loại chính là lá bùa hộ mạng của họ.
Đây là lý do quan trọng nhất tại sao chi phí y tế Mỹ quá cao. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì không có cách nào giảm chi phí y tế được. Obamacare đã tuyệt đối không đả động đến chuyện này.
Phe CH kêu gọi cải tổ, giới hạn bồi thường ở mức phải chăng để giảm tiền bảo hiểm và tiền thử nghiệm. Phe DC chống hoàn toàn. Trong ngành luật ở Mỹ, những luật sư chuyên về tố tụng kiểu này –tort litigation- là những người giàu nhất, cũng là những người đóng tiền yểm trợ mạnh nhất cho đảng DC.
BẢO HIỂM LỖ NẶNG
Hầu như tất cả các hãng bảo hiểm đều lỗ lã nặng. Ngay cả trong Obamacare, tức là trong hệ thống exchanges của liên bang hay tiểu bang, kết quả khác xa dự đoán của TT Obama. Con số người ghi tên kém rất xa những dự đoán bi quan nhất. Theo Washington Post, việc ghi danh vào Obamacare mùa thu năm nay đã sụt giảm xuống dưới một nửa số người tiên liệu. Thiên hạ thà bỏ tiền nhiều hơn để mua bảo hiểm ngoài Obamacare.
Hầu hết các hãng bảo hiểm trong hệ thống Obamacare lỗ nặng, khiến họ phải rút ra khỏi hệ thống trong nhiều vùng, nhiều tiểu bang. Những công ty bảo hiểm lớn nhất nước, United Healthcare, Blue Cross Blue Shield, Aetna,… rút ra. Chẳng hạn Aetna mới thông báo giữa tháng Tám vừa qua đã rút ra khỏi hệ thống phối hợp của 11 tiểu bang, để chỉ còn giữ lại 4.
Trên khắp xứ Mỹ, cứ 3 quận –county- thì lại có một quận chỉ còn đúng một hãng bảo hiểm tham gia vào Obamacare qua năm tới 2017. Đưa đến tình trạng độc quyền, tức là hãng này lộng hành tự ý ấn định giá bảo phí cũng như chỉ định nhà thương, bác sĩ và thuốc men, luôn cả cách chữa trị. Chẳng còn gì có thể gọi là “exchange” nữa vì chỉ còn đúng một hãng.
Tại Minnesota, tất cả 5 hãng bảo hiểm đều dọa rút ra khỏi Obamacare nếu không cho họ tăng bảo phí từ 50% đến 67%. Tiểu bang đang báo động và tìm cách lưu giữ ít nhất một hãng lại.
Trong khi cả chục hãng nhỏ khai phá sản vì có rút ra cũng không cạnh tranh được với các hãng lớn.
NHỮNG SAI LẦM CỦA OBAMACARE
Lý do quan trọng nhất Obamacare không được ủng hộ mạnh là vì có giới hạn rất khắt khe về việc lựa chọn bác sĩ, nhà thương, giống như chương trình HMO.
Để ý kỹ, mọi người sẽ thấy bảo phí càng rẻ thì sự lựa chọn càng ít, và nhất là phần lớn các bác sĩ và nhà thương trong danh sách lựa chọn đều thuộc hạng hai, hạng ba. Chẳng hạn như tại Florida, phần lớn các bác sĩ trong danh sách Obamacare, giống như trong HMO là bác sĩ… di dân, tốt nghiệp các trường y khoa Mexico, Nicaragua, Haiti,… Tuyệt đối không có bác sĩ tốt nghiệp Harvard Medical School. Ngay cả trong cộng đồng tỵ nạn, ta cũng thấy các bác sĩ Việt trẻ (thế hệ tỵ nạn thứ nhì, tốt nghiệp các đại học y khoa Mỹ, khác với các bác sĩ tỵ nạn thế hệ thứ nhất, tốt nghiệp y khoa trước năm 75 tại VN) cũng ít chịu tham gia vào Obamacare hay HMO.
Lý do thứ hai là thiên hạ mánh mung. Một số người không mua bảo hiểm cho đến khi bị bệnh mới mua và khi đó hãng bảo hiểm theo luật mới, không có quyền từ chối họ. Họ chữa trị xong, lại không đóng bảo hiểm nữa. Dĩ nhiên là hãng bảo hiểm lỗ nặng vì có chi lớn mà không có thu.
Lý do thứ ba, khiến các hãng bảo hiểm lỗ lã là vì giới trẻ, cột trụ tài chánh của Obamacare, không tham gia, chấp nhận đóng tiền phạt. Tiền phạt dễ đóng hơn vì ít hơn tiền bảo phí. Đặc biệt, tiền phạt đi vào túi Nhà Nước chứ không bù đắp chi phí cho các hãng bảo hiểm, do đó chẳng giúp gì các hãng này.
Thật ra, bất cứ ai có một tý suy nghĩ cũng thấy khi mà hệ thống bảo hiểm y tế tăng một lúc thêm cả mấy chục triệu người, kể cả mấy triệu người đã có bệnh từ trước, thì không thể nào mọi sự vẫn như cũ được. Những chuyên gia cao cấp đầy kinh nghiệm của TT Obama và ngay cả chính TT Obama cũng không thể nào không biết là bắt buộc sẽ có thay đổi lớn, với chi phí cao hơn. Bài toán giản dị hơn 1+1= 2.
Những người bênh vực TT Obama cho rằng TT Obama không có ý “lừa dân” khi ông hứa sẽ không có gì thay đổi. Một trong những kiến trúc sư của Obamacare, GS Gruber, đã “thành thật khai báo” nếu không nói láo, “lợi dụng sự ngu xuẩn của cử tri” thì không có cách nào Obamacare được thông qua bởi quốc hội, cho dù đảng DC kiểm soát cả hai viện. Huỵch tẹt ra, đúng như GS Gruber nói, TT Obama đã cố tình gạt dân.
Kết quả cụ thể của Obamacare là số người được bảo hiểm không tăng bao nhiêu. Năm 2012, có khoảng 15% hay 45 triệu người không có bảo hiểm y tế. Bây giờ, 5 năm sau, cuối 2016, vẫn còn 11% hay 33 triệu người không có bảo hiểm y tế. Nghiã là Obamacare trong 5 năm qua chỉ giúp cấp bảo hiểm cho thêm 12 triệu người. Tóm lại, Obamacare đã cung cấp bảo hiểm cho hơn một chục triệu người, nhưng lại khiến cả 300 triệu người bị thiệt thòi, đối diện với tăng bảo phí, tăng chi phí y tế, đại đa số lại là dân trung lưu và lao động. Đó chính là lý do tại sao gần 60% dân Mỹ vẫn chống Obamacare. Bà Hillary hiểu rõ hơn ai hết khi bà tuyệt đối không đả động đến Obamacare trong cả năm đi vận động tranh cử.
Obamacare cũng đã gặp đủ thứ khó khăn thực tế khác. Lý do quan trọng cũng vẫn là lý do đã khai tử tất cả các chế độ xã hội chủ nghiã. Obamacare được vẽ ra bởi một đám công chức ngồi trong phòng máy lạnh tính toán những giả thuyết và kịch bản không tưởng, không thực tế, rồi cưỡng ép lên thiên hạ, chưa kể cố tình nói láo thiên hạ như GS Gruber đã nhìn nhận.
TƯƠNG LAI
Khó ai có thể phản đối mục tiêu rất tốt của cải tổ y tế, giúp những người bệnh nặng có được bảo hiểm và giúp toàn dân có bảo hiểm. Nhưng cách thức thực hiện đã sai trật, quá gấp rút vì muốn để lại dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ của TT Obama. Đưa đến những lủng củng lớn, từ hệ thống điện toán rối bù, đến đủ loại kẽ hở giúp lạm dụng khai gian lãnh trợ cấp, thiên hạ chơi trò mánh mung, rồi các hãng bảo hiểm lỗ lã nặng, chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế tăng vùn vụt, thiên hạ phải đổi bác sĩ nhà thương, hãng bảo hiểm tứ tung. Tóm lại, các kiến trúc sư của Obamacare tính sai bét hết.
Những người ủng hộ TT Obama bào chữa hệ thống mới tất nhiên phải gặp khó khăn thời gian đầu. Dĩ nhiên, nhưng cho đến nay, 6 năm qua, ít ai nhìn thấy tiến bộ, trái lại những khó khăn ngày càng chồng chất khi chi phí mỗi năm mỗi tăng, càng nhiều hãng bảo hiểm tháo chạy.
Ở đây, có một dòng tư tưởng khá lạ, đáng suy nghĩ. Một số chuyên gia cho rằng những khó khăn, sai lầm của Obamacare là có chủ ý. TT Obama cố tình đưa ra mô thức luộm thuộm này, tạo tình trạng khó khăn tài chánh, lỗ lã cho hàng loạt các hãng bảo hiểm như đã bàn ở trên, tạo khó khăn cho dân chúng phải đổi bác sĩ, nhà thương, khiến họ bất mãn với chế độ tự do cạnh tranh trong ngành y tế, tất cả với chủ đích tối hậu là giết các hãng bảo hiểm tư nhân, đưa nước Mỹ vào chế độ Nhà Nước độc quyền bao thầu toàn bộ hệ thống bảo hiểm và dịch vụ y tế, theo mô thức xã hội Âu Châu. Nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng rất hợp với khuynh hướng thiên tả của TT Obama. Nếu như bà Hillary đắc cử, có nhiều triển vọng bà sẽ đi tiếp đoạn đường này. Nhưng với sự đắc cử của ông Trump, con đường này coi như bị đứt quãng rồi.
Nhiều người hoan nghênh mô thức Âu Châu vì tất cả nhà thương, thuốc men, bác sĩ, hầu như miễn phí hết. Quá sướng! Dĩ nhiên đây là cách nhìn thiển cận. Trên đời này không có cái gì miễn phí hết. Một chế độ y tế mà bệnh nhân không phải trả tiền trực tiếp, thì bắt buộc phải thu tiền từ chỗ nào khác, tức là thuế! Mô thức Âu Châu đánh thuế toàn diện trên cả nước, bất kể giàu nghèo, bất kể bệnh hay không. Có nghiã là những người không ốm đau bệnh hoạn gì cũng bị bắt buộc phải đóng tiền chữa trị cho những người có bệnh, không hơn không kém.
Đại khái quý độc giả có thể hình dung một tình trạng như sau. Ở Mỹ, ai muốn mua quần áo nào thì ra tiệm tự lựa, tự trả tiền; không mua thì dĩ nhiên không phải trả tiền gì hết. Ở Âu Châu, tất cả mọi người đều phải đóng thuế cho Nhà Nước may quần áo sẵn cho mọi người. Nếu cần quần áo, thì mỗi người được lấy một số quần áo nhất định, khỏi trả tiền, không lấy, mất tiền ráng chịu, Nhà Nước không hoàn lại tiền. Muốn quần áo đẹp hơn, tốt hơn cũng không có. Giống như cả triệu dân Tầu mặc đồng phục Hồng Quân thời Mao Sếng Sáng thôi.
Trong khi bên Mỹ gần một nửa dân không đóng một xu thuế nào, và dân trung lưu trung bình đóng thuế khoảng 15%-20% lợi tức, thì bên Âu Châu, ít ai đóng dưới 40%. Quý độc giả có thân nhân, bạn bè bên Âu Châu, cứ việc hỏi họ đóng bao nhiêu thuế lợi tức thì biết ngay.
Một sự kiện rất lý thú: Obamacare dựa trên việc áp đặt tất cả mọi người phải có bảo hiểm. Đây chính là quan điểm của bà Hillary khi bà tranh cử tổng thống năm 2008. TNS Obama khi đó chống kịch liệt. Ông chỉ muốn áp đặt bảo hiểm trên các trẻ em thôi, còn áp đặt trên toàn dân thì ông nghĩ không thực tế, không thể thực hiện được vì có nhiều người không có khả năng mua bảo hiểm quá đắt. Bắt họ mua sẽ là trừng phạt họ một cách bất công.
Trong một cuộc tranh luận về bảo hiểm y tế toàn dân với bà Hillary năm 2008, TNS Obama đã vạch ra tất cả những sai lầm của chính sách áp đặt bảo hiểm lên toàn dân của bà Hillary. Xin mời quý độc giả nghe chính TNS Obama chỉ trích Hillarycare trong 15 phút đầu của cuộc tranh luận:
https://www.youtube.com/watch?v=nw2eVBMURVU&feature=youtu.be&t=363
Nhưng ngay sau khi đắc cử, TT Obama lấy ngay Hillarycare hoá phép thành Obamacare, ép buộc tất cả mọi người phải mua bảo hiểm y tế. Tại sao? Có hai giả thuyết. Một là TNS Obama giả dối, khi ra tranh cử đóng vai ôn hoà để đả kích bà Hillary quá cực đoan; hai là TT Obama ôm lấy Hillarycare là cái giá ông phải trả để cuối cùng được hậu thuẫn của bà Hillary để ông ra tranh cử và hạ TNS John McCain.
xxx
Tương lai Obamacare ra sao? Với sự đắc cử của ông Trump, chắc chắn sẽ có thay đổi. Ít người tin TT Trump có thể vứt bỏ trọn vẹn Obamacare. Ta đừng nên quên ông Trump trên căn bản ủng hộ chế độ bảo hiểm toàn dân, chỉ chống lại cách làm của TT Obama thôi. Những hô hoán TT Trump sẽ chấm dứt bảo hiểm y tế cho hai chục triệu người là loại tin phiạ -fake news- lếu láo nhất. Tối thiểu ông sẽ phải giữ lại việc cấm các hãng bảo hiểm từ chối nhận người đã có bệnh từ trước. Chỉ có thể thay đổi hay hủy bỏ một số chi tiết, chẳng hạn như việc tính tiền ngừa thai hay phá thai, hay tiền mổ đổi giới tính, trong bảo phí bắt tất cả mọi người phải trả, hay giảm tiền trợ cấp bảo phí, giảm hay bỏ tiền phạt vì không có bảo hiểm, hủy bỏ các exchanges, …
Quan trọng nhất là khối CH có sự đồng thuận tới đâu trong việc sửa đổi Obamacare. Có khi đánh nhau vỡ đầu để rồi cuối cùng chẳng sửa được gì hết.
Cải tổ Obamacare không thể tránh được. Cho dù TT Trump không làm gì thì về lâu dài, Obamacare dưới hình thức hiện tại cũng sẽ tự hủy khi không còn hãng bảo hiểm nào tham gia nữa.
Để kết luận, có lẽ không có gì đáng nói bằng trích lại một ý kiến về Obamacare: “Điên rồ! Không có nghiã lý gì hết! Có lợi cho một ít người lợi tức thấp được trợ cấp, nhưng giết giới tiểu thương và tất cả những người có lợi tức cao hơn mức nhận trợ cấp… Đây là việc làm điên rồ nhất thế giới!”. Đó là nguyên văn nhận định của TT Clinton về Obamacare ngày 3/10/2016 tại Michigan. (08-01-17)
Phần 4 - Đối Ngoại Và Khủng Bố
Nếu kinh tế và Obamacare có thể là đề tài tranh cãi, thì thành quả đối ngoại của TT Obama lại là đề tài mà hầu hết các chuyên gia đều nhất trí. Đó là gia tài bết bát nhất của TT Obama.
Năm 2008, trên phương diện đối ngoại, ứng viên Barack Obama tranh cử với khẩu hiệu chính: “Chấm dứt cuộc chiến ngu xuẩn tại Iraq”. Đối với cuộc chiến tại Afghanistan, ông nhìn nhận đây là cuộc chiến cần thiết để bảo vệ nước Mỹ, nhưng sách lược của TT Bush sai lầm, cần phải xét lại, để chiến thắng và rút quân nhanh hơn. Trong cuộc chiến chống khủng bố, ông sẽ xét lại luật Patriot Act để bảo đảm vừa có biện pháp chống khủng bố hữu hiệu, vừa tôn trọng nhân quyền và luật pháp.
TT Obama cũng hứa củng cố các liên minh với các đồng minh Âu Châu cũng như Á Châu và Nam Mỹ, nâng Nga và Trung Cộng lên hàng đối tác chiến lược, trong khi sẵn sàng nói chuyện với tất cả các nước ít thân thiện như Iran, Cuba, Venezuela, Bắc Hàn,…
Những chương trình hoà hoãn đó đã khiến các ông Hàn Lâm Na Uy mê mẩn, tặng ngay giải Nobel Hoà Bình, cho dù ông tổng thống vừa tuyên thệ xong chưa về đến nhà. Gần 8 năm sau, tổng thống Nobel đã làm được gì?
CUỘC CHIẾN CHỐNG KHỦNG BỐ
Một ngày sau khi tân TT Obama tuyên thệ, ông ký lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo trong vòng một năm, đưa tất cả tù nhân ra tòa xử đúng luật. Rồi đi ngay Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, hai nước Hồi giáo đồng minh lớn nhất của Mỹ ngoài Ả Rập Saud. Tại hai nơi này, ông đã ca ngợi tôn giáo và văn minh Hồi và Ả Rập và công bố chính sách thân thiện tối đa với khối này. Sau đó, ông đi gặp quốc vương Ả Rập Saud, cúi gập mình xuống chào.
Kết quả? Trại tù Guantanamo giờ này vẫn còn đó. Trong 8 năm, một số tù nhân đã được TT Obama thả hoặc chuyển đi vài tiểu quốc vô danh khác, đổi lấy cả trăm triệu viện trợ Mỹ, không có bất cứ một tên tù nào bị đưa ra tòa.
Tệ hơn nữa, 5 lãnh tụ cao cấp nhất của chính quyền Taliban được trả tự do đổi lấy một anh binh nhì đào ngũ! Không phải TT Obama là thương thuyết gia tồi, mà ông có chủ ý cắt giảm số tù bằng mọi giá, cuộc trao đổi này chỉ là cái cớ để thả tù.
Trong bài diễn văn giã biệt mới đây, TT Obama đã mánh mung định nghiã tấn công của khủng bố là những tấn công xuất phát từ ngoài nước như vụ 9/11, rồi đấm ngực khoe đã không có vụ nào trong suốt 8 năm của ông. Không sai. Nhưng TT Obama đã cố tình mập mờ đánh lận, xí xoá không nhắc đến những vụ tấn công tại Fort Hood, Boston, San Bernardino, Orlando, New York,… Tuy không xuất phát từ ngoài nước và không lớn như 9/11, nhưng reo sợ hãi thường trực lên thiên hạ. Thăm dò mới nhất của Pew cho thấy 40% dân Mỹ cảm thấy đang bị đe dọa bởi khủng bố, so với 22% năm 2002, ngay sau 9/11. Đủ nói lên dân Mỹ nghĩ sao về hiệu quả của sách lược chống khủng bố của TT Obama.
Thành quả lớn nhất là giết được Osama Bin Laden mà TT Obama không ngừng đấm ngực thình thịch khoe công mỗi khi có dịp và các đệ tử ầm ầm reo hò. Chỉ xác nhận… không còn thành tích nào khác để khoe. Việc truy lùng ra Bin Laden là công khó của hàng ngàn chuyên viên kiên nhẫn theo dõi mỗi ngày trong cả chục năm trời hàng triệu emails và cuộc gọi điện thoại trên khắp thế giới, cho dù chỉ kéo dài có vài giây.
Cuộc đột kích giết Bin Laden là công khó của lực lượng đặc nhiệm SEAL. Cả hai nhóm đều do TT Bush thành lập đặc biệt để truy kích Bin Laden. TT Obama chỉ là người lấy quyết định đánh hay không khi họ khám phá ra chỗ trốn của Bin Laden. Quyết định được phe ta công kênh như can đảm nhất. Thực ra TT Obama chẳng có lựa chọn nào khác. Nếu ông quyết định không tấn công và sau này lòi ra đã để Bin Laden thoát thì tương lai chính trị ông ra tro. Nếu như đánh lộn người, không phải là Bin Laden thì dĩ nhiên, xiả tay đổ thừa tin tình báo sai. Quyết định khó chỗ nào?
Từ ngày 9/11, cả trăm vụ khủng bố đánh ở Mỹ và khắp thế giới, tất cả thủ phạm đều là dân Hồi giáo không chừa một tên nào. Nhưng TT Obama nhất định không dám nói đến cụm từ “Hồi giáo quá khích”. Không nhận dạng được đối thủ thì làm sao đánh chúng được?
AFGHANISTAN VÀ IRAQ
Tại Iraq, TT Obama nhậm chức, còn 150.000 lính Mỹ. Ông quyết định rút thật nhanh, nhờ sách lược quân sự thành công của tướng Petraeus sau khi TT Bush chấp nhận đôn quân năm 2007. Khi TT Obama rút hết quân về năm 2011, ông tuyên bố “chúng ta đã để lại một Iraq tự trị và ổn định”. Thực tế, 5 năm sau, một phần ba Iraq nằm trong tay nhóm khủng bố ISIS mà năm 2011 chưa một ai nghe đến tên. Mỹ vẫn phải tiếp tục gửi quân tham chiến tại Iraq.
ISIS ra đời thời TT Clinton năm 1999, nhưng bị dẹp tan dưới thời TT Bush sau khi lãnh tụ al Zarqawi bị giết năm 2006. Đến 2010, Abu Bakr al-Baghdadi, trước đó bị TT Bush nhốt, rồi được TT Obama trả tự do năm 2009, được bầu làm giáo chủ. ISIS lớn như thổi với giáo chủ mới, trước chiếm một phần lớn bắc Syria, sau đó tràn qua Iraq trở lại, trong vòng một năm chiếm một phần ba Iraq, cho đến ngày nay, vẫn còn giằng co từng tấc đất với chính quyền Iraq. Bất kể mọi phân bua, sự thật là ISIS đã hồi sinh và lớn mạnh dưới thời TT Obama sau khi Mỹ tháo chạy quá nhanh.
Tại Afghanistan, ông quyết định đôn quân theo gương TT Bush tại Iraq, từ 50.000 lên 100.000 năm 2009. Nhưng rồi tìm cách rút thật nhanh ngay từ 2011. Đến đầu năm 2016 còn 10.000. Để rồi lực lượng Taliban tái sinh, chiếm được một phần tư lãnh thổ vùng phiá bắc, trong khi các nhóm khủng bố vẫn đánh bom hàng loạt tại thủ đô.
Tóm lại, trong 8 năm, TT Obama đã rút ra khỏi Iraq và Afghanistan với cái giá là ISIS chiếm một phần ba Iraq, và Taliban chiếm lại một phần tư Afghanistan. Ông không chấm dứt được hai cuộc chiến, mà chỉ là đổi sách lược, không đánh bằng lục quân, mà đánh lai rai bằng không lực, dội bom và bắn tẻ bằng máy bay không người lái, một việc mà tất cả các nhà quân sự đều nhìn nhận là cách đánh rẻ nhất, rẻ về tiền bạc cũng như rẻ về nhân mạng, nhưng không bao giờ dứt điểm được. Giám đốc CIA, ông Michael Morrel, khi từ nhiệm năm 2013, đã nói thẳng với TT Obama, “tiếp tục kiểu này, thế hệ con và thế hệ cháu của tôi sẽ vẫn phải tiếp tục đánh nhau tại Iraq và Afghanistan”.
Những người ủng hộ TT Obama ca tụng sách lược này vì không còn lính Mỹ chết nữa. Không sai. Nếu coi thảm trạng Trung Đông là chuyện thiên hạ, dân Trung Đông sống chết mặc bay, miễn sao lính Mỹ khỏi chết, thì sách lược của TT Obama là một thành công lớn. Nhưng nếu nhìn vào thảm cảnh khốn khổ của dân Trung Đông hiện nay, với cảnh cả trăm ngàn người bị giết, cả triệu người trốn chạy qua Âu Châu, gây nên một đại họa di dân chưa từng thấy trong lịch sử, hậu quả trực tiếp của sách lược tháo chạy bằng mọi giá, thì TT Obama nếu có tự trọng, nên trả lại giải Nobel Hòa Bình. Hòa bình với hàng trăm ngàn người bị giết không phải là hòa bình đáng được Nobel. Cũng như hoà bình của Lê Đức Thọ và Kissinger không phải là hoà bình đáng giải Nobel.
TT Roosevelt ngày xưa cũng đã có thể bảo vệ mạng sống của lính Mỹ bằng cách không can thiệp, nhường cả Âu Châu cho Hitler. TT Truman cũng vậy, cũng có thể chấp nhận cho Bắc Hàn chiếm toàn thể Triều Tiên để lính Mỹ khỏi chết. Ngay cả TT Johnson cũng đã có thể tặng cho CS Bắc Việt cả miền nam ngay từ 1965. Nhưng những vị tổng thống này đã không lẩn tránh trách nhiệm của đại cường cũng như lý tưởng Mỹ. Dĩ nhiên, họ đều không được giải Nobel Hoà Bình!
Nhân đây, cũng phải nói qua về chính sách quốc phòng và quân lực Mỹ. Dưới thời TT Obama, quân đội Mỹ dường như đặt ưu tiên không phải trong việc bảo vệ đất nước này, mà là phát huy tinh thần… phải đạo chính trị trong quân đội. Giới đồng tính, chuyển giới được công khai chấp nhận trong quân đội, phụ nữ được cho vào các lực lương đặc biệt tác chiến nặng, ngôn từ sử dụng trong quân đội được sửa chữa để tránh đụng chạm những nhóm thiểu số, quân nhân có quyền xâm mình đủ kiểu, quân nhân Ấn Độ giáo hay Hồi giáo được để râu ria xồm xoàm. Tầu hải quân mang tên những anh chị tranh đấu cho dân da đen, cho đồng tính,… chứ không phải là các anh hùng bảo vệ đất nước nữa. Trong cấp lãnh đạo, những tướng lãnh diều hâu, cứng đầu với tổng thống hay chống lại đám thư sinh phụ tá chung quanh tổng thống đều bị cho về vườn sớm hay công khai lột chức.
Một hướng đi lạ lùng chỉ làm suy yếu tiềm năng quân lực. Bảo đảm sẽ có thay đổi lớn dưới ông bộ tưởng Quốc Phòng mới có hỗn danh là Chó Điên!
IRAN
Iran cố gắng phát triển tiềm năng nguyên tử. Khối Âu Mỹ lo ngại Iran tìm cách chế tạo bom nguyên tử, đưa đến phong tỏa, cấm vận kinh tế để cản.
TT Obama tìm cách cứu Iran, điều đình được một thỏa ước theo đó Iran sẽ chấp nhận tự chế và tự kiểm tra đổi lại việc Âu Mỹ tháo bỏ cấm vận và Mỹ trả lại 1,7 tỷ tài sản đã bị phong tỏa từ ngày các giáo chủ lên nắm quyền sau khi lật đổ hoàng đế Pahlavi dưới thời TT Carter.
Thỏa ước là một thứ thỏa ước cuội đi cửa hậu, không thông qua quốc hội vì TT Obama biết chắc sẽ bị bác. Chỉ là hình thức để Mỹ bán cái cho Iran đánh ISIS và Taliban dùm, đổi lấy bãi bỏ cấm vận. Lý do cả hai chính đảng Mỹ chống đối hiển nhiên là mối nguy cơ Iran sẽ chế được bom nguyên tử, trực tiếp đe dọa hoà bình Trung Đông, và nhất là sự sinh tồn của Do Thái. TT Obama chấp nhận mối nguy cơ xa vời đó vì chỉ có thể xẩy ra sau khi ông đã hết nhiệm kỳ, đổi lấy sự giúp đỡ trước mắt tại Iraq và Afghanistan khi ông còn đang tại chức.
Kết quả ra sao? Iran hết bị cấm vận, tha hồ bán dầu hỏa lại, thu bạc tỷ mỗi năm, và được Mỹ trả lại tàn sản bị tịch thu trước đây. Trong khi chẳng ai thấy Iran đánh ISIS hay Taliban gì hết. Không ai biết Mỹ được lợi gì trong thoả ước cuội đó. Quý độc giả nào thấy lợi gì cho Mỹ, xin chỉ giáo.
LIBYA
Năm 2014, Mỹ, Anh và Pháp, đánh Libya, “can thiệp nhân đạo”, cứu một nhúm vài trăm quân nổi loạn đang bị đe dọa tàn sát bởi xe tăng của Khaddafi tại Benghazi. Khaddafi bị giết. Đám quân nổi loạn chiếm quyền, nhưng ngay sau đó, bùng nổ thành nửa tá nhóm võ trang, đánh nhau túi bụi trong khi cả ba đại cường tháo chạy, bỏ mặc chúng giết nhau từ ba năm nay.
Hàng trăm ngàn thường dân chạy loạn, nhẩy xuống tầu thuyền, chạy qua Âu Châu, đóng góp vào cuộc khủng hoảng di dân thê thảm nhất lịch sử. Cả thế giới nhắm mắt.
Hành động của TT Obama còn tệ hại hơn xa quyết định đánh Iraq của TT Bush. TT Bush đánh Iraq do tin tức tình báo sai lầm, được quốc hội đồng ý [trong đó có phiếu của bà Hillary và ông Kerry], rồi sau đó, TT Bush đủ tinh thần trách nhiệm, cố gắng ở lại để tìm cách ổn định, xây dựng lại Iraq, tuy thất bại. TT Obama đánh Libya chẳng có lý do chính đáng nào, chẳng được quốc hội phê chuẩn, cũng chẳng được Liên Hiệp Quốc thông qua, rồi mau mắn phủi tay, bỏ mặc Libya thành một chiến trường đẫm máu nhất từ mấy năm nay.
Chưa kể xì-căng-đan khủng bố giết chết đại sứ Mỹ tại Benghazi trong khi chính quyền Obama ú ớ đổ thừa lên dân chúng biểu tình chống một đoạn phim YouTube vớ vẩn chẳng ai thèm coi.
SYRIA
Mùa Xuân 2011, nội chiến Syria bùng nổ, với năm ba nhóm võ trang nổi loạn chống TT Assad thuộc hệ phái Shiites được Nga và Iran hỗ trợ. Các nhóm nổi loạn được khối Sunnis, cầm đầu bởi Ả Rập Saud hậu thuẫn với Mỹ và Pháp đứng sau, yểm trợ ển ển xìu xìu. Trong tình trạng loạn đả, ISIS nhẩy vào cuộc, thừa nước đục thả câu, chiếm ngay một phần ba lãnh thổ. Chưa hết. Lại còn nhóm Kurds thuộc Thổ Nhĩ Kỳ muốn dành tự trị, khiến chính quyền Thổ cũng nhẩy vào cuộc, đánh Kurds. Syria biến thành… Chiến Quốc tân thời, với bốn chân vạc Assad, lực lượng nổi loạn Sunnis, nhóm ISIS, và nhóm Kurds. Người dân không biết đường nào mà chạy, chết như rạ.
TT Assad không nương tay, tàn sát dân bằng xe tăng, pháo binh và bom nặng. TT Obama cao giọng vạch lằn ranh đỏ đe dọa nếu Assad dùng vũ khi hoá học, Mỹ sẽ can thiệp. TT Assad dùng vũ khí hoá học thật. TT Obama mắc nghẹn, chối bay biến chưa hề vạch lằn ranh. Putin ra tay nghiã hiệp, bảo đảm Assad sẽ không dùng vũ khí hoá học. TT Obama như mở cờ, tuyên bố tha cho Assad.
Cuộc chiến Syria vẫn tiếp tục, ngày càng đẫm máu, cho đến nay đã có hơn nửa triệu thường dân bị giết. TT Assad, sau một thời gian tự kềm chế, lại mang vũ khí hoá học ra xài lại. Mỹ lần này im ru. TTDC cũng tiếp tay im ru. Không ai nghe nói đến làn ranh đỏ hay xanh gì nữa.
Sách lược nhát hơn cáy của TT Obama đã bị cả hai bộ trưởng Quốc Phòng của ông, Leon Panetta và Robert Gates, cùng với bà ngoại trưởng Hillary Clinton, công khai viết hồi ký chỉ trích.
TRUNG CỘNG
TT Obama rình ràng tuyên bố chuyển trục qua Á Châu. Rốt cuộc, chỉ là một sách lược tàng hình không ai nhìn thấy gì hết, mà chỉ thấy Trung Cộng ngày càng lộng hành tại Biển Đông, muốn cắm cột tìm dầu tại đâu cũng được, chiếm một số đảo tại Hoàng Sa, đắp đất xây căn cứ quân sự, bến tàu, mang máy bay phản lực và hỏa tiễn đến bảo vệ các đảo. Tuyệt đối tự do tác oai tác quái trong khi Mỹ lâu lâu cho một chiếc máy bay đảo qua đảo lại cách mấy chục dặm, hay thỉnh thoảng gửi một chiến hạm đến Cam Ranh, chẳng hù dọa được ai hết.
NGA
Trong suốt hai nhiệm kỳ của TT Obama, quan hệ Nga-Mỹ xuống dốc mau lẹ.
Nga xách động khối dân gốc Nga quậy mạnh tại Crimea, tổ chức trưng cầu dân ý cuội tách khỏi Ukraine, sát nhập vào Nga. Biến Crimea thành cửa ngỏ chiến lược lớn của Nga xuống biển Điạ Trung Hải, mở đường qua Phi Châu và Trung Đông.
TT Obama chống tay nhìn, miễn cưỡng ban bố một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có việc cấm một số phụ tá thân cận của TT Putin không được… đi Mỹ du lịch coi Disneyland. TT Putin phục hồi được phần lớn uy thế chính trị của Nga trên thế giới. Mang quân qua giúp Syria diệt phiến loạn. TT Obama im lặng.
Nhưng sau khi thất bại bầu cử tổng thống, đảng DC bất ngờ hoá phép Nga và Putin thành đại thù đã lũng đoạn bầu cử, giúp ông Trump thắng cử. Chiến tranh lạnh mà TT Obama khẳng định đã chết và chôn từ hơn hai chục năm, được lôi từ quan tài ra lại.
Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ? Dĩ nhiên, chuyện xưa hơn trái đất. Cần gì điều tra mới biết? Toàn bộ câu chuyện vẫn chỉ là một cố gắng tuyệt vọng nữa để hạ uy tín tân tổng thống không hơn không kém.
CUBA
Lý do chính kéo dài tình trạng cấm vận Cuba từ thời TT Kennedy là vì xứ này đã không có tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, chỉ lo đàn áp tù đầy đối lập, v.v… Bây giờ, chính sách độc tài của anh em Castro vẫn chẳng thay đổi một ly, nhưng TT Obama chính thức viếng thăm Cuba, chấm dứt cấm vận kinh tế vô điều kiện, và tái lập bang giao. Có nghĩa giản dị là Mỹ đã chịu thua, bó tay, chấp nhận và nhìn nhận chế độ cộng sản độc tài của anh em Castro thôi.
Hậu quả thấy rõ là dân tỵ nạn Cuba tại Florida đã ùn ùn bỏ phiếu cho ông Trump khiến bà Hillary mất tiểu bang xôi đậu lớn nhất này.
Một tuần trước khi mãn nhiệm, TT Obama đáp lễ đám tỵ nạn Cuba: kể từ giờ dân tỵ nạn Cuba sẽ bị bắt, trao trả lại Cuba, không còn được tỵ nạn nữa.
Một mặt cấm trục xuất dân tỵ nạn Mễ, mặt khác đổi luật để cấm dân tỵ nạn Cuba, hai chính sách di dân khác nhau vì dân gốc Mễ bỏ phiếu cho DC, dân gốc Cuba bỏ phiếu CH.
VIỆT NAM
TT Obama tiếp tục truyền thống của đảng DC thân thiện tối đa với CSVN từ những ngày đảng này ép TT Ford phải bỏ Miền Nam VN.
Bây giờ TT Obama đi thêm một bước, tháo gỡ cấm vận vũ khí khi đến thăm VN. Cả nước tung hô. Trong mấy ngày thăm VN, TT Obama đã nói gì về các tù chính trị và cá chết? Tuyệt đối không nói gì hết.
Nhiều ông bà tỵ nạn ca tụng TT Obama giúp CSVN thoát Trung. Muốn biết TT Obama có giúp CSVN thoát Trung hay không thì chỉ cần so sánh CSVN năm 2009 khi TT Obama nhậm chức với 2016: các nhượng địa hay tô giới Tàu [Cao Nguyên, Đà Nẵng, Vũng Áng,…] đều bắt đầu có sau 2009. Các căn cứ quân sự, phi trường, dàn hỏa tiễn trên Hoàng Sa, Trường Sa cũng đều mới có dưới thời TT Obama. Thoát Trung???
KẾT
Nếu có một câu có thể tóm lược toàn bộ chính sách đối ngoại của TT Obama thì đó chính là câu từ cửa miệng một phát ngôn viên của ông: nước Mỹ chủ trương “lãnh đạo từ phiá sau lưng”.
Giáo sư cấp tiến Alan Dershowitz của đại học Harvard nhận định TT Obama sẽ đi vào lịch sử như tổng thống tệ nhất trong chính sách đối ngoại. Cần bàn thêm không? (15-01-17)